Căng thẳng đi lại sau Tết

Ngày đăng: 10/05/2017

Cảnh tắc đường tại cầu Pháp Vân

Cảnh hàng ngàn phương tiện tê liệt trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Hà Nội: Cửa ngõ ùn ứ, nhà xe thả khách trên đường

Sáng 1/2, lực lượng CSGT Hà Nội ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông đầu xuân Đinh Dậu năm 2017. 100% quân số CSGT ở các đội cửa ngõ được huy động để đảm bảo giao thông trên các nút, trục giao thông hướng tâm. Tuy nhiên, vào thời điểm sau 16h, do lượng phương tiện tăng cao, một số tuyến đường, nút giao thông cửa ngõ như Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng; Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh; Pháp Vân - Ngọc Hồi… đã xảy ra ùn ứ. Tại đường Ngọc Hồi, ùn tắc bắt đầu xảy ra theo hướng Ngọc Hồi - Giải Phóng từ 16h30, sau đó kéo dài đến 18h. Vào thời điểm trên, nhiều phương tiện đi trên đường Ngọc Hồi phải xếp hàng kéo dài từ đoạn trước bến xe Nước Ngầm đến đoạn trước trung tâm thương mại huyện Thanh Trì, dài hơn 1 km. Với tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, ùn tắc kéo dài hơn 2 km ở đoạn cuối giao với nút Pháp Vân theo hướng Cầu Giẽ - Hà Nội.

Ùn tắc tại khu vực trung tâm, đặc biệt là trên các tuyến đường dẫn vào các bến xe khiến nhiều xe khách chạy từ các tỉnh phía Nam ra khi đến đường Pháp Vân, Giải Phóng đã thả khách trên đường rồi quay đầu xe trở lại. Tại nút Pháp Vân – Giải Phóng, trong khoảng thời gian từ 16h đến 17h, PV Tiền Phong ghi nhận, có hơn 10 xe khách đeo biển các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… thả khách trên đường. Bị nhiều hành khách phản ứng và điện báo với cơ quan chức năng, đến thời điểm 16h30, một số xe khách đã bị thanh tra giao thông xử lý.

Cang thang di lai sau Tet - Anh 2

Khu vực ga đến Sân bay Tân Sơn Nhất lúc nào cũng đông người.

TPHCM: Sân bay chật kín người

Năm nay ngày làm việc đầu tiên sau Tết Đinh Dậu rơi vào ngày mùng 6 (thứ Năm trong tuần). Do đó, nhiều người kéo dài kỳ nghỉ Tết bằng cách xin nghỉ phép nghỉ ngày thứ 5 và thứ 6 và kết hợp 2 ngày cuối tuần để nghỉ Tết thêm 4 ngày. Do đó, những ngày sắp tới, lượng người trở về Sài Gòn còn đông đúc. Và tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông cửa ngõ có thể kéo dài trong nhiều ngày nữa.

Sân bay Tân Sơn Nhất hôm qua rất đông người. Lượng taxi, ô tô các loại kéo dài từ trước sân bay ra đường Trường Sơn. Lực lượng bảo vệ sân bay, thanh niên xung phong, công an khá vất vả để điều tiết. Hành khách đến và đi chủ yếu từ ga quốc nội. Các quầy làm thủ tục lúc nào cũng tấp nập người.

Chị Phan Hồng Hoa (quê Đà Nẵng) cho biết, do năm nay công việc không mấy suôn sẻ nên chị ở lại làm thêm và trực cơ quan để nhận được lương tăng gấp 3 ngày thường, giờ chị mới mua được vé máy bay về quê.

Theo trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT (PC67, Công an TPHCM) cho biết, trong những ngày Tết Nguyên đán 2017 (tính từ ngày 26/1 - 31/1), trên địa bàn không có người chết do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tình hình giao thông sau dịp Tết sẽ có thể diễn biến phức tạp khi người dân trở lại TPHCM làm việc sau kì nghỉ. Do đó, từ ngày 1/2, phòng CSGT Công an TPHCM tiếp tục duy trì 100% quân số, đặc biệt tại các khu vực điểm nóng ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các bến xe, nhà ga, các tuyến đường cửa ngõ vào TPHCM để đảm bảo điều tiết giao thông, hạn chế ùn tắc, kẹt xe.

Xe khách Bắc - Nam… “chặt chém”

Theo ghi nhận của PV, từ ngày mùng 4 Tết, dọc tuyến quốc lộ 1A từ Hà Nội vào các tỉnh miền Trung có rất nhiều người dân ra lề đường đứng đón xe “dù” để vào TPHCM. Do xe khách chạy hướng Bắc - Nam không đủ sức phục vụ nên giá vé bị đẩy lên rất cao, nhiều nhà xe lấy giá gấp 3 lần so với ngày thường.

Giá vé xe giường nằm từ Hải Phòng vào TPHCM bình thường có giá khoảng 800.000 đồng nhưng từ ngày mùng 4 Tết, nhà xe đã đẩy lên giá từ 1,8 - 2 triệu đồng mỗi người. Đón xe giường nằm X.T từ Hải Phòng vào ngã ba Dầu Giây, Đồng Nai với giá vé 1.900.000 đồng bao cơm, chị Lê Thị Hoa (36 tuổi, công nhân) nói, năm ngoái chị cũng đi ngày mùng 4 Tết từ Hải Phòng vào đây chỉ mất 1,5 triệu đồng, nhưng năm nay cũng nhà xe cũ, giá đã tăng thêm 400.000 đồng.

Cũng đi xe vào ngày mùng 4 tết từ Thanh Hóa đi TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với giá vé 1,5 triệu đồng, anh Đào Văn Đức (29 tuổi) cho biết phải trả giá lần thứ ba mới có xe chịu mức giá trên. “Năm nay giá xe tăng cao quá, năm ngoái vào Sài Gòn cũng mất có 1,2 triệu đồng”.

Có mặt trên chuyến xe từ Thanh Hóa vào TPHCM với giá vé 1,7 triệu đồng, chúng tôi ghi nhận nhiều xe khách tăng mạnh giá vé, chạy với tốc độ cao và thường xuyên tấp vào lề đón khách. Chiếc xe khách giường nằm X.T thường xuyên nhá đèn, vượt các xe khác. Đặc biệt vào buổi tối, tài xế cho xe chạy với tốc độ rất cao và sẵn sàng bán khách cho xe khác. Nhiều chặng khách đi ngắn nhà xe cũng cho lên ngồi sàn, mỗi khi gặp chốt chặn của CSGT, lơ xe lại lớn tiếng kêu khách ngồi nép vào giường của người khác để tránh kiểm tra.

Trong những ngày Tết, một số bệnh viện ở TPHCM tiếp nhận nhiều ca cấp cứu vì TNGT, số ca cấp cứu tăng hơn ngày thường. Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngày 25/1 (28 tháng Chạp) đến hết ngày 31/1 (mùng 4 Tết), bệnh viện này tiếp nhận 2.081 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, trong đó có 530 bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông chuyển đến. Trong đó các ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, số bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông cao nhất với khoảng 84 trường hợp mỗi ngày.

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, trong những ngày Tết, trung bình mỗi ngày khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận từ 100 đến 150 trường hợp, trong đó gần một nửa là do tai nạn giao thông. Trong các ngày 27/1 (30 tháng Chạp) có 51/153 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông, các ngày mùng 1 và mùng 2 lần lượt là 66/127 và 67/131.