Thông tư Số: 63/2014/TT-BGTVT Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Ngày đăng: 30/06/2017

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 63/2014/TT-BGTVT
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2014                          
 

THÔNG TƯ

Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng

xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

__________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hành trình chạy xe được xác định bởi điểm đi, điểm đến, các tuyến đường bộ, các điểm đón, trả khách, trạm dừng nghỉ (nếu có) mà phương tiện đi qua.

2. Thời gian biểu chạy xe là tổng hợp các thời điểm tương ứng với từng vị trí của xe trên hành trình chạy xe.

3. Biểu đồ chạy xe là tổng hợp hành trình và thời gian biểu chạy xe của các chuyến xe trong một chu kỳ thời gian nhất định.

4. Lịch xe xuất bến là tổng hợp thời điểm xuất bến của các chuyến xe trong một chu kỳ thời gian tại một bến xe.

5. Điểm đón, trả khách là công trình đường bộ trên hành trình chạy xe dành cho xe ô tô vận chuyển hành khách theo tuyến cố định dừng để hành khách lên, xuống xe.

6. Điểm dừng xe buýt là công trình đường bộ được thiết kế và công bố cho xe buýt dừng để đón, trả hành khách.

7. Bãi đỗ xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dùng để đỗ phương tiện giao thông đường bộ.

8. Dịch vụ trông, giữ xe là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ trông giữ xe và được thu tiền đối với dịch vụ đó.

9. Đại lý vận tải là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân được đơn vị kinh doanh vận tải ủy quyền thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình vận tải (trừ công đoạn vận chuyển).

10. Ngày xe tốt là số ngày xe có tình trạng kỹ thuật đủ điều kiện tham gia giao thông.

11. Ngày xe vận doanh là số ngày xe tham gia vận chuyển không kể một ngày xe chạy ít hay nhiều.

Chương II

VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ

Mục 1

YÊU CẦU CHUNG

Điều 4. Quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải

1. Có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với những loại hình kinh doanh yêu cầu phải có giấy phép. Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này, Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.

2. Có và thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.

3. Quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải

a) Bảo đảm có số ngày xe tốt tối thiểu bằng 110% số ngày xe vận doanh theo phương án kinh doanh (chỉ áp dụng với vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách bằng xe buýt);

b) Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo dưỡng để đảm bảo các phương tiện phải được bảo dưỡng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

c) Lập Hồ sơ lý lịch phương tiện hoặc phần mềm quản lý phương tiện của đơn vị để theo dõi quá trình hoạt động và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này;

d) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, không được sử dụng xe khách có giường nằm hai tầng để hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi;

đ) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, khoang chở hành lý của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch phải được chia thành các ngăn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để hành lý không bị xê dịch, đảm bảo an toàn của xe trong quá trình vận chuyển.

4. Quản lý lái xe kinh doanh vận tải

a) Lập và cập nhật đầy đủ các thông tin về quá trình làm việc của lái xe vào Lý lịch hành nghề lái xe hoặc phần mềm quản lý lái xe của đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này;

b) Tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho lái xe và chỉ sử dụng lái xe có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; không tuyển dụng, sử dụng lái xe có sử dụng chất ma túy;

c) Đơn vị kinh doanh vận tải phải sử dụng lái xe đã có ít nhất 03 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có sức chứa từ 30 chỗ trở lên để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng.

5. Xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ

a) Đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng hoặc áp dụng Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách do Bộ trưởng Giao thông vận tải ban hành. Trường hợp đơn vị tự xây dựng thì phải đối chiếu và công bố tương đương với mức chất lượng quy định trong Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách.

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký chất lượng dịch vụ với Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu chạy xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này.

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định khi đăng ký tham gia khai thác tuyến còn phải đăng ký chất lượng dịch vụ trên tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này và thông báo đến bến xe hai đầu tuyến trước khi hoạt động vận chuyển.

6. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động vận tải của đơn vị để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu 03 năm.

Điều 5. Bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông để thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải của đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục 8a của Thông tư này; thống kê, phân tích tai nạn giao thông, tổ chức rút kinh nghiệm trong đội ngũ lái xe và cán bộ quản lý của đơn vị; cập nhật vào Lý lịch hành nghề lái xe hoặc phần mềm quản lý lái xe của đơn vị.

2. Xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo mẫu tại Phụ lục số 8b của Thông tư này.

3. Kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xe tham gia hoạt động; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện chế độ kiểm định kỹ thuật và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật phương tiện.

4. Quản lý, theo dõi các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm; sử dụng thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phục vụ cho hoạt động quản lý của đơn vị và cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin bắt buộc của từng xe ô tô khi có yêu cầu; theo dõi, đề xuất sửa chữa, thay thế kịp thời hư hỏng của thiết bị giám sát hành trình; định kỳ lập báo cáo các hành vi vi phạm của đội ngũ lái xe thuộc đơn vị.

5. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; giáo dục đạo đức nghề nghiệp; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Điều 6. Lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe

1. Thiết bị giám sát hành trình của xe phải được hợp quy, đảm bảo ghi nhận, truyền dẫn đầy đủ, liên tục về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải chủ quản hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải ủy thác cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua hợp đồng có hiệu lực pháp lý) các thông tin bắt buộc gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày.

2. Nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị hoặc để phá sóng, làm nhiễu tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS), mạng định vị toàn cầu (GSM).

3. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải

a) Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện của đơn vị theo quy định.

b) Duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo truyền dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác, liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình phương tiện tham gia giao thông.

c) Cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe thuộc đơn vị cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

d) Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc tối thiểu 01 năm.

Điều 7. Quy định về tập huấn nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải

1. Đối tượng tập huấn: người điều hành vận tải, lái xe kinh doanh vận tải, nhân viên phục vụ trên xe.

2. Nội dung tập huấn: theo tài liệu và chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

3. Thời điểm tập huấn

a) Trước khi tham gia hoạt động vận tải hoặc đảm nhận nhiệm vụ điều hành vận tải.

b) Định kỳ không quá 03 năm, kể từ lần tập huấn trước đó.

4. Cán bộ tập huấn phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Giáo viên chuyên ngành vận tải của các trường từ trung cấp trở lên có đào tạo chuyên ngành vận tải đường bộ.

b) Trong trường hợp tập huấn cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe: cán bộ tập huấn phải là người có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ.

c) Trong trường hợp tập huấn cho người điều hành vận tải: cán bộ tập huấn phải là người có trình độ chuyên ngành vận tải từ cao đẳng trở lên hoặc có trình độ đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ.

5. Cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn

a) Đơn vị kinh doanh vận tải được tự tổ chức tập huấn hoặc phối hợp với với Hiệp hội vận tải ô tô địa phương hoặc cơ sở đào tạo lái xe để tổ chức tập huấn cho lái xe kinh doanh vận tải và nhân viên trên xe.

b) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô địa phương (nếu có) tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc địa phương.

6. Trước khi tổ chức tập huấn, đơn vị tổ chức tập huấn phải báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương về kế hoạch tập huấn, địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và danh sách học viên tham dự tập huấn để kiểm tra, giám sát.

7. Đơn vị tổ chức tập huấn cấp Giấy chứng nhận đối với những người đã hoàn thành tập huấn theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này; lưu hồ sơ chương trình tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu trong 03 năm.

Mục 2

KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH

 BẰNG XE Ô TÔ THEO TUYẾN CỐ ĐỊNH

Điều 8. Tiêu chí thiết lập tuyến

1. Có hệ thống đường bộ được công bố khai thác trên toàn bộ hành trình.

2. Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố đưa vào khai thác.

Điều 9. Điểm đón, trả khách

1. Các tiêu chí của điểm đón, trả khách

a) Điểm đón, trả khách chỉ được bố trí tại các vị trí đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho hành khách lên, xuống xe.

b) Có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường.

c) Điểm đón, trả khách phải được báo hiệu bằng Biển báo 434a theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41: 2012/BGTVT) và có biển phụ như sau: “ĐIỂM ĐÓN, TRẢ KHÁCH TUYẾN CỐ ĐỊNH”.

d) Khoảng cách tối thiểu giữa 02 điểm đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc giữa bến xe hai đầu tuyến là 05 kilômét.

2. Tổ chức giao thông tại điểm đón, trả khách

a) Điểm đón, trả khách chỉ phục vụ các xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định đón, trả khách; nghiêm cấm sử dụng cho hoạt động khác.

b) Tại điểm đón, trả khách chỉ cho phép mỗi xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định được dừng tối đa không quá 03 phút.

3. Xác định, phê duyệt, đầu tư, quản lý, khai thác điểm đón trả khách

a) Sở Giao thông vận tải địa phương xác định vị trí điểm đón, trả khách tuyến cố định (đối với đường quốc lộ phải thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại khu vực điểm đón, trả khách trên địa bàn địa phương.

c) Điểm đón, trả khách được đầu tư, xây dựng theo nguyên tắc sau: đối với các tuyến đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, chủ đầu tư có trách nhiệm đưa vào thành một hạng mục trong dự án đầu tư xây dựng; đối với các tuyến đường bộ hiện đang khai thác, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước.

d) Sở Giao thông vận tải ra văn bản thông báo về việc đưa vào khai thác hoặc ngừng khai thác điểm đón, trả khách trên tuyến cố định.

Điều 10. Niêm yết

1. Niêm yết trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải các thông tin sau: danh sách các tuyến trên địa bàn địa phương theo quy hoạch (sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố quy hoạch); danh sách tuyến đang khai thác; tổng số chuyến xe tối đa được phép hoạt động vận chuyển trên từng tuyến trong một đơn vị thời gian và tổng số chuyến xe đã đăng ký hoạt động; danh sách các đơn vị vận tải hiện đang hoạt động vận chuyển trên tuyến; số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải.

2. Niêm yết tại bến xe các thông tin sau: danh sách các tuyến, lịch xe xuất bến của các chuyến xe đang hoạt động tại bến; danh sách các đơn vị vận tải kinh doanh khai thác trên từng tuyến; số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải địa phương.

3. Niêm yết tại quầy bán vé các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước.

4. Niêm yết trên xe

a) Niêm yết ở phía trên kính trước: điểm đầu, điểm cuối của tuyến.

b) Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải.

c) Niêm yết ở trong xe: biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu. Ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện, niêm yết khẩu hiệu : “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này.

5. Trách nhiệm niêm yết: Sở Giao thông vận tải thực hiện niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều này; bến xe thực hiện niêm yết tại bến xe và niêm yết tại quầy bán vé của tuyến do bến xe nhận ủy thác bán vé theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết trên xe và niêm yết tại quầy bán vé do đơn vị tự bán vé theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Niêm yết thông tin tại quầy bán vé và trên xe có thể bằng nhiều hình thức. Khuyến khích các đơn vị vận tải, bến xe thực hiện niêm yết bằng thiết bị điện tử. Doanh nghiệp, hợp tác xã phải cung cấp cho bến xe liên quan các thông tin quy định phải niêm yết tại bến xe.

Điều 11. Quy định đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định

1. Niêm yết theo quy định tại khoản 4 Điều 10 của Thông tư này.

2. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe và được đánh số thứ tự lớn dần từ phía trước đến phía sau xe.

3. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.

4. Có phù hiệu “XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH” theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư này.

5. Trong cùng một thời điểm, mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 02 tuyến vận tải hành khách cố định, các tuyến này được phép nối tiếp nhau (có bến đến là bến đi của tuyến tiếp theo).

6. Xe ô tô phải có mặt tại bến xe trước giờ xe xuất bến tối thiểu 10 phút để thực hiện công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật và các tác nghiệp khác tại bến xe theo quy trình bảo đảm an toàn giao thông quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.

Điều 12. Quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách

1. Phải niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 của Thông tư này.

3. Có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái) và phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã.

4. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.

5. Xe trung chuyển hành khách chỉ được sử dụng để vận chuyển hành khách (đi trên các tuyến cố định của đơn vị) đến bến xe, điểm đón, trả khách trên tuyến hoặc ngược lại và hành khách không phải trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào khác ngoài giá vé trên tuyến cố định theo quy định.

6. Xe có phù hiệu "XE TRUNG CHUYỂN" không được tham gia hoạt động kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và không được tính vào số lượng xe có của đơn vị theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô.

Điều 13. Quy hoạch mạng lưới tuyến

1. Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định:

a) Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh: Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, công bố trước 30 tháng 12 năm 2014 quy hoạch định hướng và trước 30 tháng 6 năm 2015 quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.

b) Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh trước 30 tháng 6 năm 2015.

2. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm quản lý, theo dõi, kiểm tra và phối hợp với các Sở Giao thông vận tải thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý, theo dõi, kiểm tra và thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.

4. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố tác động đến hoạt động vận tải trên các tuyến vận tải hành khách cố định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 14. Đăng ký khai thác và điều chỉnh tăng tần suất chạy xe

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được lựa chọn đăng ký khai thác tuyến theo quy hoạch mạng lưới tuyến hoặc điều chỉnh tăng tần suất chạy xe theo nguyên tắc: giờ xe đăng ký xuất bến tại hai đầu bến không trùng giờ và đảm bảo thời gian giãn cách theo quy định với các chuyến xe của doanh nghiệp, hợp tác xã khác đang hoạt động hoặc đã đăng ký trước trong các trường hợp sau:

a) Khi cơ quan có thẩm quyền công bố, điều chỉnh quy hoạch;

b) Khi cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng tần suất chạy xe.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến không nằm trong quy hoạch mạng lưới tuyến được cơ quan có thẩm quyền công bố có quyền tiếp tục khai thác theo phương án đã đăng ký trong thời gian không quá 24 tháng, kể từ ngày công bố quy hoạch.

Trước thời hạn nói trên 02 tháng, cơ quan chấp thuận khai thác tuyến ra văn bản thông báo thời gian ngừng khai thác tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến thời hạn ngừng khai thác, cơ quan chấp thuận khai thác tuyến ra văn bản ngừng khai thác tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư này gửi doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe hai đầu tuyến, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia và công bố trên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình.

Điều 15. Quy định về cơ quan quản lý tuyến

1. Sở Giao thông vận tải quản lý tuyến nội tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia và các Sở Giao thông vận tải nơi có tuyến đi qua để thực hiện quản lý tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo nguyên tắc: Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia thực hiện các nội dung quản lý tuyến và phối hợp với Sở Giao thông vận tải nơi phát sinh các vấn đề về quản lý vận tải, an toàn giao thông trên tuyến để xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh.

2. Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hàng năm, Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến thống nhất và công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên tuyến trong 12 tháng tiếp theo, giãn cách chạy xe tối thiểu giữa các chuyến xe và biểu đồ chạy xe đang khai thác của từng tuyến do Sở Giao thông vận tải quản lý; việc công bố phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến đã được phê duyệt.

Điều 16. Quy định về hồ sơ và xử lý hồ sơ đăng ký khai thác, điều chỉnh tăng tần suất chạy xe

1. Quy định về hồ sơ

a) Giấy đăng ký khai thác tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 của Thông tư này.

b) Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 của Thông tư này.

c) Giấy đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải trên tuyến cố định theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này.

2. Quy định về xử lý hồ sơ:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã gửi 01 bộ hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải đầu tuyến, nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh của đơn vị.

b) Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tối đa không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

c) Đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phía bên kia để lấy ý kiến.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Giao thông vận tải được xin ý kiến phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn trên nếu không có văn bản trả lời thì coi như Sở Giao thông vận tải được xin ý kiến đã đồng ý với nội dung đăng ký khai thác tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản chấp thuận gửi doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe hai đầu tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn bản chấp thuận được đồng thời gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để phối hợp quản lý.

d) Đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ ra văn bản chấp thuận gửi doanh nghiệp, hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

đ) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý tuyến hoặc qua đường bưu điện.

3. Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô phải căn cứ vào điều kiện khai thác thực tế để xây dựng, trong đó nếu trên tuyến có các Trạm dừng nghỉ đã được công bố thì phải ưu tiên bố trí phương tiện dừng nghỉ tại các trạm đó.

4. Văn bản chấp thuận khai thác tuyến, chấp thuận điều chỉnh tăng tần suất chạy xe có giá trị kể từ ngày ký và có hiệu lực theo hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Sau 60 ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đưa xe vào khai thác thì văn bản chấp thuận không còn hiệu lực.

Điều 17. Bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến

1. Bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến

Doanh nghiệp, hợp tác xã được thay thế xe đang khai thác trên tuyến hoặc bổ sung xe nếu việc bổ sung không làm tăng tần suất chạy xe. Trước khi bổ sung, thay thế xe, doanh nghiệp, hợp tác xã phải có thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 của Thông tư này gửi hai Sở Giao thông vận tải và bến xe hai đầu tuyến để phối hợp thực hiện.

2. Thay thế xe đột xuất

a) Khi xe khai thác trên tuyến gặp sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn, doanh nghiệp, hợp tác xã được sử dụng phương tiện khác của đơn vị để thay thế.

b) Xe thay thế đột xuất phải có lệnh vận chuyển của doanh nghiệp, hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 của Thông tư này.

Điều 18. Ngừng khai thác tuyến, giảm tần suất chạy xe trên tuyến

1. Ngừng khai thác tuyến

a) Trước khi ngừng khai thác tuyến ít nhất 15 ngày, doanh nghiệp, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 của Thông tư này gửi hai Sở Giao thông vận tải và bến xe hai đầu tuyến.

b) Sau thời gian 02 ngày, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị ngừng khai thác tuyến, bến xe hai đầu tuyến có trách nhiệm thông báo công khai tại bến xe.

c) Sau thời điểm ngừng khai thác 05 ngày làm việc, doanh nghiệp, hợp tác xã phải nộp lại phù hiệu cho Sở Giao thông vận tải nơi cấp. Cơ quan quản lý tuyến thông báo công khai để các doanh nghiệp, hợp tác xã khác đăng ký khai thác.

2. Giảm tần suất chạy xe trên tuyến

a) Trước khi giảm tần suất chạy xe trên tuyến ít nhất 10 ngày, doanh nghiệp, hợp tác xã phải gửi văn bản đề nghị đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 của Thông tư này.

b) Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, Sở Giao thông vận tải ra văn bản chấp thuận giảm tần suất chạy xe trên tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư này; đồng thời cập nhật các thông tin về việc giảm tần suất chạy xe trên tuyến vào nội dung niêm yết trên Trang thông tin điện tử của Sở.

c) Sau thời điểm giảm tần suất chạy xe chậm nhất 05 ngày làm việc, doanh nghiệp, hợp tác xã phải nộp lại phù hiệu của các xe ngừng khai thác trên tuyến cho Sở Giao thông vận tải nơi cấp.

d) Trước khi doanh nghiệp, hợp tác xã giảm tần suất chạy xe ít nhất 03 ngày, bến xe hai đầu tuyến có trách nhiệm thông báo công khai tại bến xe.

Điều 19. Quy định về tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách

1. Xe hoạt động trên các tuyến cố định, xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch, xe trung chuyển, xe vận chuyển người nội bộ được sử dụng để tăng cường giải tỏa hành khách vào các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

2. Trước thời gian các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tối thiểu là 07 ngày, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch tăng cường phương tiện giải tỏa hành khách (trong đó có danh sách phương tiện, lái xe được điều động) và tổ chức thực hiện.

3. Trong thời gian xe được bố trí tăng cường, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia, các bến xe liên quan và các đơn vị có xe tăng cường thực hiện theo dõi, giám sát và quản lý hoạt động của phương tiện, người lái xe theo các quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định.

4. Không áp dụng các quy định tại Điều 16 của Thông tư này trong trường hợp Sở Giao thông vận tải quyết định điều động phương tiện để tăng cường giải tỏa hành khách vào các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Điều 20. Quy trình đảm bảo an toàn giao thông và giải quyết cho xe ra, vào bến

Bến xe khách phải thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông và giải quyết cho xe ra, vào bến quy định tại Phụ lục 35 của Thông tư này.

Điều 21. Lệnh vận chuyển

1. Lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã tự in theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 của Thông tư này. Ngoài những nội dung bắt buộc quy định tại Phụ lục 17, doanh nghiệp, hợp tác xã được bổ sung những nội dung khác để phục vụ công tác quản lý của đơn vị.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng Lệnh vận chuyển của lái xe; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 01 năm.

Điều 22. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải

1. Áp dụng các biện pháp để tổ chức, thực hiện đúng phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô đã được chấp thuận.

2. Lập sổ để theo dõi, quản lý việc sử dụng phù hiệu, lệnh vận chuyển của đơn vị; ghi thông tin trên lệnh vận chuyển và cấp cho lái xe theo đúng các quy định về quản lý vận tải; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Thông tư này.

3. Thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 02 giờ; thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 30 phút.

4. Chịu trách nhiệm khi lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chở quá trọng tải hoặc quá số người theo quy định.

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã khi nhận hàng hóa gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng; không được nhận chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống.

6. Trang bị đồng phục và thẻ tên cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; thẻ tên phải được dán ảnh có đóng dấu giáp lai của đơn vị, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý.

7. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.

8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 23. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh bến xe khách

1. Báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương các quy định của đơn vị về quyền hạn, trách nhiệm, danh sách, chức vụ và chữ ký của những người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận vào Lệnh vận chuyển.

2. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, tổng hợp những trường hợp không cho xe vận chuyển khách và tình hình an toàn giao thông tại bến xe, báo cáo Sở Giao thông vận tải bằng văn bản để xử lý theo quy định.

3. Thực hiện các quy định khác về bến xe khách theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Điều 24. Quyền hạn và trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe

1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu của doanh nghiệp, hợp tác xã đã trang bị; mang theo Lệnh vận chuyển đối với chuyến xe đang khai thác.

2. Thực hiện đúng Lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã cấp; đảm bảo an ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, các điểm đón, trả khách và chạy đúng hành trình.

3. Không chở quá số người được phép chở và không vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; hành lý, hàng hóa phải được xếp dàn đều trong khoang chở hành lý, đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống.

4. Đảm bảo mọi hành khách trên xe đều có vé; hướng dẫn, sắp xếp cho hành khách ngồi đúng chỗ theo vé, phổ biến các quy định khi đi xe, giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em); có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.

5. Trước khi xe xuất bến phải yêu cầu bến xe khách xác nhận thông tin quy định trong Lệnh vận chuyển.

6. Chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

7. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.

8. Có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp thiết bị nhưng không hoạt động.

9. Giữ gìn vệ sinh phương tiện, không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị giám sát hành trình hoặc để phá sóng, làm nhiễu tín hiệu GPS, GSM.

10. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 25. Quyền hạn và trách nhiệm của hành khách đi xe

1. Được yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã đăng ký và niêm yết.

2. Được yêu cầu nhân viên phục vụ trên xe xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền kiểm tra.

3. Được nhận lại số tiền vé theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Thông tư này.

4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

5. Chấp hành các quy định khi đi xe để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên xe; lên, xuống xe tại bến xe hoặc các điểm đón, trả khách theo quy định.

6. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Mục 3

 KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE BUÝT

Điều 26. Quy định đối với xe buýt

1. Xe phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố; số lượng và cách bố trí ghế ngồi, chỗ đứng trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe.

2. Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.

3. Có phù hiệu “XE BUÝT” theo mẫu quy định tại Phụ lục 18 của Thông tư này.

4. Niêm yết:

a) Niêm yết bên ngoài xe:

Phía trên kính trước và sau xe: số hiệu tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến;

Bên phải thành xe: số hiệu tuyến; giá vé và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã.

b) Niêm yết bên trong xe: biển số xe, số hiệu tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé; số điện thoại đường dây nóng của đơn vị vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương; trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách. Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư này.

c) Niêm yết thông tin trên xe có thể bằng nhiều hình thức, khuyến khích các đơn vị vận tải thực hiện niêm yết bằng thiết bị điện tử.

Điều 27. Đăng ký mầu sơn đặc trưng

1. Trước khi đưa xe vào khai thác, doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện đăng ký mầu sơn đặc trưng. Giấy đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 của Thông tư này.

2. Giấy đăng ký gửi đến Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Sở Giao thông vận tải xác nhận và thông báo công khai màu sơn đặc trưng của đơn vị đã đăng ký trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải.

3. Đối với các tỉnh, thành phố có quy định màu sơn riêng cho xe buýt thì đơn vị vận tải phải thực hiện mầu sơn theo quy định của tỉnh, thành phố.

Điều 28. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt

1. Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt

a) Có đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe đảm bảo an toàn giao thông.

b) Có bảng thông tin các nội dung: tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến và doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác tuyến; trách nhiệm của hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

c) Có nhà chờ cho hành khách.

2. Điểm dừng xe buýt

a) Khu vực xe buýt dừng đón, trả khách được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường theo quy định; trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu tuyến, tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối).

b) Tại các điểm dừng xe buýt trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 05 mét trở lên và ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 2,5 mét trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt.

c) Sở Giao thông vận tải quy định mẫu điểm dừng xe buýt trong phạm vi địa phương mình.

3. Tại các bến xe khách, nhà ga đường sắt, cảng hàng không, cảng, bến thủy nội địa, cảng biển phải bố trí điểm đón, trả khách cho xe buýt để kết nối với các phương thức vận tải khác.

4. Nhà chờ xe buýt

a) Sở Giao thông vận tải quy định mẫu nhà chờ xe buýt tr